Với những hành động tích cực từ Bộ Tư pháp, Việt Nam được thế giới nhìn nhận như quốc gia đầu tiên ở Châu Á có hoạt động tích cực về nhân quyền của LGBT.
Sau khi Bộ Tư pháp ra công văn vào đầu tháng 7 để lấy ý kiến trên diện rộng về việc có nên đưa vấn đề hôn nhân đồng tính vào thảo luận trong kỳ họp Quốc hội khóa XIII sắp tới, đã nhận được luồng phản hồi cực mạnh từ dư luận cả nước với những chiều trái ngược nhau.
Trước những phản hồi đó, 9:00 sáng ngày 24 tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hà Hùng Cường đã có buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trả lời những thắc mắc của nhiều người, trong đó có cả việc có nên chấp nhận hôn nhân đồng tính hay không.
Nguyên văn phần trả lời của Bộ trưởng Hà Hùng Cường như sau:
TV:
Về hôn nhân đồng tính, thưa Bộ trưởng, chắc ông cũng đã nghe nói về một vấn đề làm tốn giấy mực của báo chí suốt mấy tuần nay, đó là về có công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính. Tôi muốn nghe quan điểm cá nhân của Bộ trưởng nhìn nhận về vấn đề này? Bộ trưởng Hà Hùng Cường :
Đúng là sau khi Quốc hội đưa vào xây dựng chương trình luật của năm 2013-2014, việc sửa đổi bổi sung luật hôn nhân gia đình đã dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi, tốn nhiều giấy mực xung quanh việc công nhận hay không công nhận, hay bằng cách nào đó hợp thực hóa hôn nhân đồng tính.
Luật hôn nhân gia đình của Việt Nam hiện nay cấm hôn nhân đồng tính. Vấn đề này phải được xem xét kỹ, thâu đáo trên nhiều phương diện: văn hóa, pháp lý, tập quán và đạo đức.
Có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế vì dù sao đây cũng là 1 nhóm người nhất là từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh, không phải chữa trị và không thể chữa trị. Ý kiến này cho rằng thậm chí có thể sửa luật để cho phép hôn nhân đồng tính. Theo tôi được biết, đến nay đã có 23 nước công nhận quyền của người đồng tính, 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, 44 nước khác thừa nhận quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính.
Luồng ý kiến thứ 2 là không đồng ý việc thừa nhận hôn nhân đồng tính, đặc biệt là ở Việt Nam.
Cá nhân tôi cho rằng, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật… Các vấn đề này đang được nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
Dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính thì theo tôi, cũng không được tạo ra định kiến xã hội đối với cộng đồng và cá nhân người đồng tính. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có cơ chế pháp lý để bảo vệ những lợi ích chính đáng về nhân thân, tài sản hoặc con (nếu có) giữa những người cùng giới tính có quan hệ sống chung với nhau.
Trong phần trả lời của mình, mặc dù ông Hà Hùng Cường không nêu rõ quan điểm cá nhân về việc chấp nhận hôn nhân đồng tính, tuy nhiên ông đã bày tỏ quan điểm rất cởi mở và kêu gọi xã hội nên có cái nhìn tích cực hơn về cộng đồng người đồng tính tại Việt Nam.
Việc bộ trưởng của Bộ Tư pháp, cơ quan nhà nước có sức ảnh hưởng lớn nhất đến tiến trình sửa đổi luật sắp tới có tiếng nói về vấn đề này là một động thái vô cùng quan trọng và có tính ảnh hưởng tốt cho những thay đổi sắp tới.
Tin tức này nhanh chóng được quốc tế chú ý đến, vì tính tới thời điểm hiện tại Việt Nam là nước ĐẦU TIÊN tại Châu Á xem xét và đưa dự thảo luật hôn nhân đồng tính vào kỳ họp Quốc Hội. Đây được xem là bước tiến dài nhất so với khoảng thời gian 4 năm của một cộng đồng LGBT mới được hình thành.
Các kênh truyền thông lớn của thế giới như abcNEWS, Gay Star News, NPR.org, Towleroad cũng đã trích dẫn thông tin về việc này và việc ông Hà Hùng Cường trả lời trực tuyến thành tâm điểm của truyền thông và đông đảo dư luận, giúp cộng đồng LGBT Việt Nam có thể khẳng định mình trước LGBT Quốc Tế.
Thời gian còn khoảng 1 năm đến kỳ họp Quốc hội khóa XIII (diễn ra trong khoảng 1 tháng từ ngày 21/05 – 21/06 năm 2013), trong thời gian này, các diễn đàn, tổ chức đấu tranh cho Quyền LGBT như ICS, hay tổ chức PFLAG sẽ có những hoạt động thiết thực để thể hiện hình ảnh tích cực cũng như thể hiện ước muốn được công nhận, sống chung với người mình yêu thương. Chúng ta hãy cùng nhau tham dự và đóng góp một phần sức mình vào tiến trình này.
Theo LGBT
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét